Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, Trường Đại học Thái Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cùng chủ trì tọa đàm
Về dự tọa đàm cùng lãnh đạo của cơ quan, lãnh đạo một số phòng, ban của 3 đơn vị đồng chủ trì còn có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình, các trường Cao đẳng và trường Trung cấp Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Vũ Mạnh Hiền, ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình thay mặt chủ tọa phát biểu khai mạc và chỉ đạo.
Báo cáo đề dẫn tọa đàm do TS. Bùi Trọng Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trình bày khẳng định những kết quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Thái Bình những năm qua đã góp phần quan trọng để công tác khuyến học của tỉnh Thái Bình luôn giữ vững vị trí trong tốp đầu toàn quốc. Hội Khuyến học tỉnh đã chỉ đạo công tác khuyến học của tỉnh vừa toàn diện, có chiều sâu, có trọng điểm mang tính đột phá. Báo cáo chỉ rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; định hướng các vấn đề để đại biểu tham luận.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm
Phát biểu tham luận của Tiến sỹ Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ 4.0, nhất là trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh. Bên cạnh việc khẳng định sự phối hợp có hiệu quả, thiết thực giữa Hội Khuyến học tỉnh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong những năm qua, đồng chí cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 2 cơ quan Hội trong thời gian tới.
Tham luận của trường Đại học Thái Bình do PGS.TS Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình và tham luận của Trường Đại học Y Dược Thái Bình do PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Phó hiệu trưởng trình bày đã nêu bật hướng đi của mỗi nhà trường trong thời gian tới, trong đó khẳng định sự cần thiết phải nâng cao chất lượng mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” và phong trào tự học, học thường xuyên, học suốt đời ngay từ trong nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của trường và chất lượng học tập của sinh viên. Đồng chí Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình chia sẻ sâu sắc về kinh nghiệm tổ chức xây dựng một số mô hình trong thực tiễn để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân với phương châm của mô hình: Hấp dẫn, cuốn hút, có sức sống lâu dài (bền vững), hiệu quả thiết thực nhằm tạo được động cơ và nhu cầu cần học cho người dân (ví dụ như Trung tâm học tập cộng đồng gắn liền thư viện và phòng đọc miễn phí, sách của thư viện và phòng đọc phải phong phú, thiết thực cho nhiều đối tượng…). Báo cáo tham luận của đồng chí Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng chia sẻ sâu sắc về mô hình tổ chức hơn 20 câu lạc bộ trong nhà trường để vừa nâng cao chất lượng đào tạo của trường, vừa nâng cao năng lực toàn diện cho các sinh viên trong đó học thường xuyên, học suốt đời là phẩm chất không thể thiếu của sinh viên Trường Y cần có ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài các tham luận nêu trên, tham luận của các đơn vị gửi về Ban tổ chức buổi tọa đàm đều khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong mỗi cơ quan, đơn vị và cần có sự phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học tỉnh. Các tham luận đều khẳng định để hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho tỉnh thì việc phối hợp chặt chẽ gắn các nhà trường với Hội Khuyến học tỉnh là nhiệm vụ rất cần thiết.
Kết luận buổi tọa đàm đồng chí Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị để buổi tọa đàm thành công tốt đẹp. Đồng chí khẳng định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong đó việc tổ chức phong trào xây dựng các mô hình học tập tại tỉnh Thái Bình trong những năm qua thực sự chuyển biến mạnh mẽ và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thông qua xây dựng các mô hình học tập, đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các cấp có chuyên môn, trình độ, đáp ứng nhu cầu nhân lực ở mỗi địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Việc triển khai xây dựng các mô hình học tập để tiến tới xây dựng thành công xã hội học tập chính là quá trình huy động mọi nguồn lực, tiềm năng của xã hội để bảo đảm cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người; tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích người dân đều có thể học mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Vũ Thanh
(http://hoikhuyenhocthaibinh.vn)
Ý kiến bạn đọc