Thái Bình Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng dòng họ học tập

Thứ năm - 30/03/2023 16:59 96 0
Thái Bình phong trào xây dựng “Dòng họ học tập” được xác định là một mô hình quan trọng, có sức lan tỏa rộng rãi, xuất hiện nhiều “Dòng họ học tập” tiêu biểu, là tiền đề xây dựng thành công xã hội học tập.
Thái Bình Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng dòng họ học tập

 

Đồng chí Vũ Thanh Vân, UVBTVTU, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Sáng ngày 30/3/2023, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng dòng họ học tập” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 9 điểm cầu, Đồng chí Vũ Thanh Vân, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo. Trang thông tin điện tử Hội khuyến học tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu kết luận Hội Thảo của Đồng chí Vũ Mạnh Hiền, ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội khuyến học Việt nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình:

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

   Thưa toàn thể quí vị!

Sau hơn một buổi sáng làm việc sôi nổi, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao Hội thảo“Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Dòng họ học tập” đã hoàn thành cơ bản nội dung chương trình đề ra.

Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe báo cáo tình hình tổ chức và kết quả hoạt động của “Dòng họ học tập” trong những năm qua, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; nghe 14 báo cáo tham luận và nghiên cứu 25 tham luận trong tài liệu Hội thảo của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo Hội thảo của Đ/c Vũ Thanh Vân, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Nhìn chung, báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất nhận định:

Những năm qua, phong trào xây dựng “Dòng họ học tập” được xác định là một mô hình quan trọng, có sức lan tỏa rộng rãi, xuất hiện nhiều “Dòng họ học tập” tiêu biểu, là tiền đề xây dựng thành công xã hội học tập. Vì vậy, các cấp hội khuyến học đã tập trung tuyên truyền, vận động các dòng họ đăng ký, xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình học tập gắn với xây dựng mô hình dòng họ học tập; xây dựng ban khuyến học dòng họ làm cơ sở tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong dòng họ. Thông qua việc xây dựng mô hình dòng họ học tập đã khơi dậy những khả năng tiềm ẩn trong mỗi dòng tộc, tinh thần thi đua học tập trong các gia đình, dòng họ góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Ban khuyến học các dòng họ tổ chức nêu gương những gia đình hiếu học, gia đình học tập và học sinh, sinh viên thành đạt nhờ con đường học tập.

Từ chỗ trong dòng họ nhiều gia đình chưa coi trọng việc học, qua công tác khuyến học đã khích lệ động viên con cháu học tập, công tác tiến bộ. Với phương pháp nêu gương, nhiều học sinh trong dòng họ đã nỗ lực phấn đấu học tập để đạt thành tích năm sau cao hơn năm trước. Vận động con cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, không có học sinh bỏ học, mỗi gia đình quan tâm chăm lo cho con cháu mình từ việc học hành đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho trẻ, không có học sinh mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Nhiều ban khuyến học dòng họ phối hợp chặt chẽ với các nhà trường quản lý con em trong suốt quá trình học tập. Đồng thời, chia sẻ, động viên con em trong họ có hoàn cảnh khó khăn tích cực đến trường và phấn đấu trong học tập, đẩy mạnh mối gắn kết giữa dòng họ với gia đình, thường xuyên gặp gỡ, động viên những trường hợp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ.

Các thành viên trong dòng họ không chỉ hợp lực với nhau trong việc thờ cúng, tri ân tổ tiên mà còn có trách nhiệm bồi dưỡng, vun đắp, khích lệ, thắp lên khát vọng học hành cho các lớp con cháu tiến bộ thành tài, để rồi dù ở lại quê hương lập nghiệp hay ra đi mọi miền viễn xứ, nhưng ở nơi nào con cháu các dòng họ của tỉnh Thái Bình chưa dễ quên đi một thuở nhọc nhằn vất vả nơi quê nhà, dẫu có gặp sông lớn màu mỡ phù sa, vẫn nghe tiếng vọng cội nguồn, như lời ru của mẹ thuở ấu thơ gọi ta về với làng quê, gốc cành nguồn cội, báo đáp tri ân quê hương, tiên tổ. Thái Bình xuất hiện nhiều dòng họ hiếu học, mô hình dòng họ học tập tiêu biểu như báo cáo thực trạng tình hình tổ chức, hoạt động của “Dòng họ học tập” đã nêu.

Các cấp hội khuyến học đã xác định xây dựng mô hình “Dòng họ học tập” là việc làm đúng đắn, rất có ý nghĩa, bởi vì dòng họ là một thiết chế xã hội bền vững, là nhân tố ảnh hưởng và tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến sự phát triển của cá nhân và xã hội, là khâu đột phá, là tiền đề để xây dựng thành công xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững, nên đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố làm nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức cùng vận động nhân dân tham gia xây dựng các mô hình học tập ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác xây dựng “Dòng họ học tập” của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa xác định được vị trí, vai trò quan trọng của dòng họ trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do đó phong trào “Dòng họ học tập”hoạt động chưa mạnh, chưa toàn diện; cách hiểu về khái niệm dòng họ còn khác nhau, dẫn đến cách tính tổng số dòng họ mỗi nơi một khác. Một số nơi chưa tranh thủ sự đồng thuận, tiếng nói và uy tín của Hội đồng gia tộc, của người đứng đầu họ, đứng đầu các chi, ngành mà tập hợp, tổ chức cho các gia đình, các thành viên trong họ cùng đồng lòng thực hiện công tác khuyến học. Công tác phối hợp, cầu nối giữa ban khuyến học dòng họ với chi hội khuyến học thôn, tổ dân phố và Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn nhiều nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng. Việc tuyên truyền phổ biến các văn bản về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và tập huấn các tiêu chí gia đình học tập, dòng họ học tập đến các thành viên trong dòng họ chưa kịp thời nên hiệu quả chưa cao; nhiều nơi công tác khuyến học dòng họ chưa quan tâm nhiều đến việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người lớn.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của “Dòng họ học tập” và để mỗi dòng họ đạt mô hình “Dòng họ học tập” trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh và của hội khuyến học các cấp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; về mục đích, ý nghĩa, nội dung phương thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học để làm ngay, học để nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Hướng dẫn các thành viên trong dòng họ hiểu tiêu chí và chỉ số về “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập” để có ý thức phấn đấu đạt các danh hiệu này.

Hai là, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban khuyến học dòng họ; lựa chọn những người có uy tín, tâm huyết, am hiểu về giáo dục, nhiệt tình và trách nhiệm cao với dòng họ, biết cách động viên, khích lệ các thành viên trong dòng họ học tập thường xuyên, học tập suốt đời; đây là nhân tố cần thiết để hoạt động khuyến học dòng họ luôn duy trì, không ngừng đổi mới và phát triển. Ban khuyến học dòng họ tổ chức hoạt động theo đúng quy định, quy ước, hương ước, pháp luật và Điều lệ Hội khuyến học Việt Nam. Thống nhất khái niệm dòng họ hiểu theo từ điển tiếng việt; xác định rõ dòng họ thuộc đơn vị thôn, tổ dân phố hoặc xã, phường, thị trấn có cùng một từ đường hoặc nơi sinh hoạt chung của dòng họ làm đơn vị dòng họ; dòng họ học tập có thể hoạt động linh hoạt theo nhiều cấp, phấn đấu xây dựng thành công “Dòng họ học tập”.

Ba là, thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường trách nhiệm, phối hợp, liên kết các tổ chức các tầng lớp nhân dân, các thành viên trong dòng họ xây dựng và nâng cao chất lượng “Dòng họ học tập”, tạo điều kiện để các dòng họ học tập tiêu biểu, xuất sắc tại địa phương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm những việc làm hay, cách làm hiệu quả từ đó rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp quan trọng để nhân rộng hơn nữa mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”tiêu biểu, xuất sắc; đây là nhân tố quan trọng để xây dựng thành công “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tiến tới xây dựng thành công huyện, thành phố học tập, tỉnh học tập.

Bốn là, thường xuyên giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng cho các thành viên trong dòng họ nhân các ngày giỗ tổ, thanh minh, ngày lễ, tết và tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài của dòng họ; khuyến khích mọi người trong dòng họ tích cực học tập thường xuyên, học tập suốt đời, phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” theo Quyết định 387 và Quyết định 677 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học dòng họ để đáp ứng yêu cầu công tác khuyến học, khuyến tài và thúc đẩy việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi thành viên trong dòng họ; xây dựng, giữ vững danh hiệu “Dòng họ học tập” khi đã đạt được và từng bước nâng cao chất lượng trong những năm tới.

Thay mặt lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh tôi xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã đến dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo! Trân trọng cảm ơn UBND huyện, thành phố đã tạo điều kiện để Hội Khuyến học huyện, thành phố có phòng Hội thảo trực tuyến.

Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo “ Giải pháp nâng cao chất lượng dòng họ học tập”. Kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an.

Trân trọng cảm ơn!

Hoàng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đền Website Hội Khuyến học huyện Hưng Hà qua?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,530
  • Tháng hiện tại3,286
  • Tổng lượt truy cập432,657
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây